1. Các quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Cụ thể gồm:
Quyền tác giả (quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu)
Quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa)
Quyền sở hữu công nghiệp (quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh)
Quyền đối với giống cây trồng (quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu)
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
2. Điểm khác nhau khi đăng ký độc quyền sản phẩm và bản quyền sản phẩm
Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Việc nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
– Đăng ký bản quyền tác già thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng)
– Đăng ký độc quyền sản phẩm (sở hữu công nghiệp) thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Cục Sở hữu trí tuệ
Thủ tục giải quyết
– Đối với đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan. (Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;
Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại cơ quan có thẩm quyền Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng)
– Đối với đăng ký độc quyền sở hữu công nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
File nhãn hiệu cần đăng ký (file ảnh)
Nhóm sản phẩm, dịch vụ cần đăng ký nhãn hiệu
Thông tin chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu (theo giấy đăng ký kinh doanh; chứng minh nhân dân)
Giấy ủy quyền
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu hàng hóa;
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;
Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
Các bạn có thể nộp tại Cục sở hữu trí tuệ qua 03 địa điểm sau:
– Trụ sở chính Cục sở hữu trí tuệ: Số 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội – Tel: 024.3858.3069
– Cục sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh: 8A/1 Nguyễn Cảnh Chân, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh – Tel: (08) 3920.8483 – 3920.8485 – Fax: (08) 3920.8486
– Cục sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng: 26 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng – Tel: (0511) 3889955 – Mobile Phone: 0903.502.566 – Fax: (0511) 3889977
Người nộp đơn có thể nộp đơn dưới nhiều hình thức khác nhau:
– Nộp đơn đăng ký logo trực tiếp tại cơ quan đăng ký;
– Nộp hồ sơ đăng ký qua bưu điện bằng hình thức chuyển phát;
– Nộp đơn đăng ký logo bằng hình thức trực tuyến trên cổng thông tin của Cục sở hữu trí tuệ.
Thời gian giải quyết
– Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ;
– Thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nộp đơn.
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định nội dung trong thời hạn sau đây:
Đối với sáng chế không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn;
Đối với nhãn hiệu không quá chín tháng, kể từ ngày công bố đơn;
Đối với kiểu dáng công nghiệp không quá bảy tháng, kể từ ngày công bố đơn;
Đối với chỉ dẫn địa lý không quá sáu tháng, kể từ ngày công bố đơn. (Thời gian thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bằng 2/3 thời gian thẩm định ban đầu, đối với những vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá thời gian thẩm định lần đầu).
Thời gian bảo vệ
– Về bản quyền
Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan do cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan cấp trước ngày Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực sẽ tiếp tục được giữ nguyên.
– Để đăng ký độc quyền
- Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp và có hiệu lực tối đa hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực kể từ ngày cấp và có hiệu lực tối đa 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có giá trị kể từ ngày cấp và có hiệu lực cho đến hết thời hạn 5 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm.
- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực kể từ ngày cấp và hết hiệu lực vào thời điểm sớm nhất sau đây:
a) Hết thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp đơn;
b) Hết thời hạn 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó ủy quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới khai thác thương mại lần đầu tiên;
c) Thời hạn 15 năm kể từ ngày lập thiết kế bố trí.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có giá trị từ ngày cấp cho đến hết thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn nhiều lần liên tục trong thời hạn 10 năm.
- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có giá trị vô thời hạn kể từ ngày cấp; Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid và Hiệp định về đăng ký quốc tế nhãn hiệu mang tên Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu. nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế này hoặc kể từ ngày sau khi hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu này có chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thoả ước Madrid.
- Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. đăng ký quốc tế này. hoặc kể từ ngày sau khi hết thời hạn sáu tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó, tùy theo thời điểm nào đến trước. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thoả ước La Hay.”.
Giấy tờ bảo hộ
– Giấy tờ bảo hộ của đăng ký bản quyền là Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
– Giấy tờ bảo hộ của đăng ký độc quyền là Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.